Hội chứng ngủ
Đến thăm cô em họ ở KTX một trường Đại học, tôi không ngờ nơi ở của hàng ngàn sinh viên lại “êm đềm” đến vậy. Gõ cửa phòng một hồi mới thấy em tôi lút cút ra mở cửa, mắt nhắm mắt mở. Thì ra cả ký túc xá đang trùm chăn… tránh rét.
Bất chợt tôi nhớ đến câu tuyên ngôn hùng hồn của một đứa bạn: “Ngủ là căn bệnh phổ biến của sinh viên bởi đặc tính rất dễ lây lan, nhất là với sinh viên sống trong môi trường tập thể như ký túc xá.”
Việc em gái tôi ham ngủ tôi không lạ, cả ký túc xá ham ngủ cũng hơi bất ngờ, nhưng chuyện cô bé Thùy An ngoan ngoãn, chăm chỉ ở cùng phòng em tôi cũng bị ma lực của giấc ngủ quyến rũ, tôi cứ ngỡ chuyện không tưởng. Hỏi ra, cô bé chỉ cười ngượng nghịu:" Em cũng quyết tâm đặt đồng hồ báo thức để dậy sớm học bài, nhưng khi thấy cả phòng đều say giấc, không muốn phá giấc ngủ của mọi người nên em tắt đồng hồ, đắp chăn và ngủ tiếp! Lâu dần thành thói quen..."
Điều đáng sợ là ngay với cả sinh viên ngoại trú, bệnh ngủ cũng không bỏ qua. Đoàn Tùng (sinh viên năm 4 Học viện Ngân Hàng) phân trần: "phòng trọ em khá rẻ, (300.000 đ / tháng) nhưng trên tận tầng 5, đi học về chui ngay lên phòng, chỉ có 4 thằng con trai với 4 bức tường và cái trần nhà, tivi không, vi tính không, sống như trên ốc đảo, hoàn toàn mù mịt với thế giới bên ngoài, thôi đành lấy ngủ làm chính! Hơn nữa cuộc sống bây giờ thật đáng sợ, nhiều cạm bẫy, tốt nhất nên ở nhà ngủ đảm bảo sức khỏe thì hơn!”
Dĩ nhiên, phụ huynh của Tùng, An ở quê ra thăm con đều vui mừng phấn khởi bởi: "chúng nó ngoan lắm, không tụ tập ăn chơi, chỉ học và… ngủ thôi!". Thế kỷ XXI đã đi được chặng đường gần 10 năm mà sinh viên Việt Nam vẫn "ngoan"đến mức đáng sợ như vậy sao?
Lười học – căn bệnh thâm niên
Không thể phủ nhận rằng điều kiện sống của sinh viên hiện nay đang được cải thiện rất nhiều, đầy đủ các phương tiện truyền thông, giải trí như tivi, Internet…. Nhưng đi sâu vào đời sống sinh viên mới biết, những cải thiện ấy góp phần không nhỏ vào nguyên nhân của bệnh lười học. Việc ngồi vào bàn học dường như là một thử thách lớn lao đối với sinh viên với thói quen cố thủ “đến kì thi mới học”, “khi nào kiểm tra sẽ học”….
|
Những lớp học được lắp camera để chống... lười học (Ảnh: VNN) |
Hoàng Long (sinh viên Đại học Thủy Lợi) suốt ngày ca thán " Cả ngày ngồi không hết chơi lại ngủ, không có việc gì làm thấy cuộc sống thật vô vị. Thế nhưng nếu nhắc Long học bài hay đọc sách thì sẽ nhận được cái bĩu môi dài thượt: "Học làm gì vội, đến mùa thi học cũng đâu có muộn, học giờ quên mất thì sao!"
Nam sinh viên lên lớp vì "Ở nhà buồn quá, ngủ mãi cũng chán, lên lớp cho vui", nữ sinh viên đến lớp để tạo xu hướng thời trang mới mẻ cho giảng đường". Khi thầy cô thì giảng nhiệt tình, sôi nổi thì sinh viên ngồi dưới buôn dưa lê, khi thầy đưa ra câu hỏi thảo luận thì cả lớp trật tự đến mức... nghe thấy tiếng vỗ cánh của con ruồi! Người nào cũng chăm chú đọc giáo trình như đang suy nghĩ tìm câu trả lời, không chịu tham gia phát biểu xây dựng bài, nhưng lại là người nhiệt tình bĩu môi chê bai nhất khi có ai đó xung phong phát biểu!!!
Cô Hà Thị Thư - giáo viên bộ môn Tâm lý của trường đại học Quốc gia Hà Nội - chia sẻ: "Mặc dù không chủ động phát biểu nhưng khi giảng viên gọi đến tên thì hầu hết sinh viên đưa ra ý kiến cơ bản chính xác. Không phải sinh viên không hiểu bài mà họ mắc căn bệnh tâm lý: Ngại nói trước đám đông! Điều này sẽ dẫn đến sự thụ động, thừa tự ti mà thiếu tự tin của giới trẻ Việt Nam. Đó là một trong những hạn chế lớn rất khó khắc phục của người Việt trẻ, nếu không thay đổi ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.”
Đọc thụ động
“Lười đọc” được coi là … không có hại bằng lười học, bởi hầu hết các sinh viên đều “có đọc”, “có tham khảo”. Mặc dù vậy, thói quen đọc và văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam đang theo chiều hướng “nghèo” với cách đọc theo phong trào, đọc theo ngẫu hứng cũng như không xác định được mục đích của việc nghiên cứu sách báo cho chính chuyên ngành họ đang học tập.
|
Thói quen đọc thụ động vẫn lan tràn trong giới sinh viên |
Khi được hỏi về nguyên nhân căn bệnh lười đọc trong sinh viên, Thu Hà (sinh viên khoa Việt Nam học - Đại học Sư Phạm 1 - Hà Nội) phân tích: "sinh viên ngày nay rất thực dụng, họ chỉ đọc những gì liên quan đến nội dung môn học, hơn nữa, chương trình học nặng, khối lượng kiến thức nhiều, chỉ riêng việc đọc hết giáo trình đã ngốn nhiều thời gian và công sức. Đó là chưa kể đến quỹ thời gian đã bị chia nhỏ làm nhiều phần: một ít cho việc học thêm ngoại ngữ, học văn bằng hai, và cho cả việc làm thêm... Nhưng Thu Hà đã bỏ quên mất một bộ phận không nhỏ những sinh viên không học thêm, không làm thêm nhưng vẫn thiếu thời gian đọc.
Mặc dù là sinh viên, ít nhiều đều biết sách báo chứa đựng trong nó cả kho tàng tri thức, nhưng nhiều người vẫn không lý giải được "bệnh lười đọc”. Số đông cho rằng: cuộc sống hiện đại với đa dạng kênh thông tin thì xem ti vi, nghe đài, lướt web... hấp dẫn hơn nhiều so đọc sách. Hấp dẫn hơn bởi những sự thưởng thức đa dạng từ âm thanh, hình ảnh chứ không đơn thuần là bằng mắt.
Việt Phương, sinh viên Ngoại Thương bức xúc: "Sinh viên ngày nay rất giỏi chê giáo trình của trường mình là không hay, thậm chí là lạc hậu, lỗi thời... Nhưng những kiệt tác văn học của thời đại, của nhân loại, những đầu sách hay về Lịch sử, khoa học họ lại thờ ơ với lý do "Cao siêu quá, mình không đủ trình để thẩm thấu." Ngay cả những bộ sách "Hạt giống tâm hồn", "Quà tặng cuộc sống" ,"Những tấm lòng cao cả"... mang giá trị nhân văn sâu sắc mà đơn giản, bình dị, dễ đọc dễ hiểu cũng không đủ sức thu hút họ.
Ai cũng có những ước mơ hoài bão, thậm chí là những ước mơ rất lớn lao nhưng không phải ai cũng đủ lòng quyết tâm để đi đến đích. “Há miệng chờ sung”, đợi “mèo mù vớ cá rán” là lựa chọn của nhiều bạn trẻ để biến ước mơ thành hiện thực. Không ăn chơi, không vướng vào tệ nạn thành hư hỏng,nhưng lối sống của những sinh viên "thụ động lành mạnh" này chỉ là những tấm gương đang mờ dần cần phải "lau" cho thật sáng.
Theo Viet Dreams